Phần quan trọng nhất cần được dọn dẹp và trang hoàng ngày Tết là ban thờ tổ tiên, trong mỗi gia đình đây là nơi linh thiêng nhất, ngày thường không được tùy ý động chạm, di chuyển các đồ thờ cúng mà chỉ lau chùi sạch sẽ, theo dân gian nếu xê dịch các đồ thờ cúng trên ban thờ sẽ làm kinh động đến thần linh, và thần linh không được an vị thì sẽ không ở lại lâu, vì thế sẽ không may mắn. Ngày nay do hạn chế về thời gian hoặc một số kiêng kị không còn được lưu truyền giữa các thế hệ nên không có nhiều người biết cách dọn ban thờ theo đúng như phong tục trước kia.
Trước khi dọn ban thờ và đồ thờ cúng, gia chủ cần phải tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc gọn gàng và chuẩn bị hoa quả đặt lên, sau đó thắp hương để thông báo cho tổ tiên và thần linh biết rằng gia chủ chuẩn bị dọn dẹp ban thờ, mời tổ tiên và thần linh tạm lánh đi nơi khác một thời gian để con cháu lau dọn. Đợi sau khi hết một tuần hương gia chủ chuẩn bị một chiếc bàn được phủ bằng vải hoặc giấy đỏ để đặt bài vị, ảnh thờ và các đồ thờ cúng khác lên đó. Nếu ban thờ đặt chung bài vị gia tiên với các thần thì phải đặt ra hai chỗ khác nhau, không đặt được lẫn lộn.
Khi lau rửa bài vị và đồ thờ cúng thì bắt buộc phải dùng nước ấm, không được dùng nước lạnh. Nếu có bài vị hay tượng của thần linh thì lau trước, sau đó mới lau bài vị của tổ tiên, tuyệt đối không lau bài vị của tổ tiên trước khi lau bài vị thần phật. Vì theo quan niệm dân gian như vậy là bất kính, mạo phạm thần linh, do thần linh có ngôi vị cao hơn nên có thể khiến tổ tiên bị chèn ép sau đó.
Sau khi lau bài vị mới được dọn bát hương rồi đến các đồ thờ cúng khác, công việc này cũng rất quan trọng, ngày nay hầu hết mọi người đều rút hết chân hương rồi cầm bát hương đổ tro ra ngoài, nhưng theo phong thủy như vậy dễ gây tiêu tán tài sản, vì thế nên dùng chiếc thìa nhỏ xúc từng thìa tro đổ ra ngoài rồi mới rửa sạch bát hương.
Sau khi bát hương khô ráo, bát hương thờ thần phật thì dùng bảy tờ tiền vàng, bát hương của tổ tiên thì dùng ba tờ tiền vàng đốt hơ quanh, khi tiền vàng cháy được một nửa thì bỏ vào trong rồi đợi đến khi cháy hết thì đổ tro vào một lần, với hàm ý “ra nhỏ vào lớn”, để mong nhận được may mắn. Tro cũ trong bát hương không nên đổ đi hết mà nên dùng rổ mắt nhỏ hoặc vải màn để lọc tro cũ, lọc xong lại đổ vào bát hương. Việc này cũng bắt đầu từ bát hương thờ thần linh rồi mới đến bát hương thờ tổ tiên.
Với các đồ thờ khác thì cách lau dọn không phức tạp như bài vị và bát hương, chỉ cần hạ xuống nhẹ nhàng vào lau rửa sạch sẽ, và cũng phải làm với ban thờ thần linh trước rồi mới đến ban thờ tổ tiên.
Sau khi lau rửa sạch sẽ bài vị của thần linh và tổ tiên người ta sẽ đem đặt lại lên ban thờ và công đoạn này yêu cầu rất phức tạp. Trước hết phải chuẩn bị một chiếc bếp than hoa nhỏ, đặt dưới bàn thờ khoảng 15 phút, sau đó đốt bảy tờ tiền vàng làm dấu ở bốn hướng trên, dưới, trái, phải. Khi tiền vàng cháy được khoảng 1 nửa thì bỏ vào lò than hoa.
Sau đó đốt tiếp bảy tờ tiền vàng để làm sạch vị trí đặt bài vị thần linh và bát hương sau đó đặt các đồ thờ cúng khác vào vị trí cố định. Sau khi đặt xong tất cả các đồ thờ thì đốt 12 que hương cắm theo thứ tự các hướng thời gian, từ vị trí 1h cho đến vị trí 12h, khi cắm thì tuần tự đọc “niên niên thị hảo niên” - mỗi năm đều là năm tốt; “nguyệt nguyệt thị hảo nguyệt” - mỗi tháng đều là tháng tốt; “nhật nhật thị hảo nhật” - mỗi ngày đều là ngày tốt; “thời thời vị hảo thời” - mỗi giờ đều là giờ tốt. Làm tương tự với bài vị, bát hương của tổ tiên.
Trên đây là tập tục dọn dẹp ban thờ của người xưa được ghi chép lại trong các thư tịch cổ, mọi công việc tỉ mỉ khi chăm sóc bàn thờ gia tiên hay thần phật cũng là cách để tăng thêm phần không khí ngày Tết, đón năm mới. Nhưng ngày nay, do cuộc sống có nhiều bận rộn nên không hẳn tất cả những tập tục trên vẫn còn phù hợp.