663 đường Giải Phóng, Giáp Bát, Hoàng Mai, Hà Nội

Công Ty TNHH đúc đồng mỹ nghệ Quang Hà
Hotline
0944 58 1111
Danh mục sản phẩm

Cửu đỉnh triều Nguyễn - Phần 2: Kỹ thuật chế tạo

2. Kỹ thuật chế tạo

Khi khánh thành bộ Cửu đỉnh, vua Minh Mạng đã đánh giá: “cả thảy đều to lớn sừng sững, đứng cao, không nứt nẻ chút nào” cho thấy trình độ đúc đồng thời bấy giờ đã rất phát triển, tạo ra được những sản phẩm chất lượng rất cao.

Từ năm 1914, các học giả người Pháp đã nghiên cứu khá kỹ về kỹ thuật đúc đỉnh đồng của Việt Nam. Tuy nhiên có một số ý kiến cho rằng 162 họa tiết trang trí trên đỉnh được đúc rời trước rồi mới gắn vào bầu đỉnh còn cần được thảo luận thêm. Đúc đồng là một quá trình nặng nhọc với nhiều công đoạn kỹ thuật, mỗi công đoạn đều đòi hỏi đôi bàn tay khéo léo và bí quyết riêng của người thợ. Nhưng nhìn chung, nghề đúc đồng vẫn được lưu truyền đầy đủ các công đoạn kỹ thuật truyền thống như làm khuôn, nấu đồng và đúc.

Qua các tài liệu điều tra dân tộc học về nghề đúc đồng truyền thống, quan sát cách đúc, cũng như hỏi han các nghệ nhân của các làng nghề đúc đồng, nhìn chung có thể phác họa đôi nét về ký thuật đúc Cửu đỉnh Huế như sau:

Nguyên liệu dùng để đúc Cửu đỉnh do triều đình cung cấp toàn bộ, gồm nguyên liệu chính là hai kim loại đồng và kẽm, ngoài ra còn một số kim loại khác như chì, thiếc… Từ nguồn nguyên liệu đó, những người thợ đúc phải pha chế theo tỷ lệ thích hợp để tạo ra được những sản phẩm tốt nhất. Tuy chưa có điều kiện phân tích thành phần của hợp kim đồng chế tạo Cửu đỉnh, nhưng dựa trên độ bền vững, khối to mà không hề rạn nứt một chút nào…cho thấy những người thợ đúc Cửu đỉnh có kỹ thuật pha chế hợp kim đồng với tỷ lệ các kim loại rất hợp lý.

Ngoài hợp kim đồng nguyên liệu, còn có các yêu cầu về chất đốt và kỹ thuật làm khuôn đúc. Nhiên liệu sử dụng gồm có rơm, rạ, củi. Kỹ thuật làm khuôn đúc chiếm vai trò rất quan trọng trong quá trình đúc đồ đồng. Và nó càng quan trọng và phức tạp hơn trong việc đúc Cửu đỉnh với lối thể hiện hoàn mỹ hình dáng và các họa tiết trang trí nổi như trình bày ở phần trước.

Khuôn đúc được làm từ đất sét dẻo trộn vỏ trấu và giấy gió ở phần mặt trong của khuôn, khuôn được luyện kỹ ở xưởng khuôn. Cửu đỉnh có kích thước lớn, cấu tạo khá phức tạp và cần độ bền vững cao nên phải đúc liền khối. Do sự phức tạp của câu trúc Cửu đỉnh và các họa tiết trang trí, nên khuôn đỉnh cần phải ghép từ nhiều mảnh, sau khi đúc xong phá bỏ để lấy hiện vật.

Qua tìm hiểu, một số nghệ nhân và người am hiểu về nghệ thuật đúc đồng truyền thống đều cho rằng người thợ xưa đã chế tạo đỉnh khá hoàn chỉnh ở hầu hết các khâu, từ tạo dáng, đắp quai cho đến các mảng họa tiết trang trí. Từ chiếc đỉnh mẫu trơn và không có quai chạm, người thợ làm khuôn đúc bằng cách đắp đất trộn trấu và giấy bên ngoài đỉnh để tạo bìa (khuôn ngoài). Khi có bìa rồi, người ta lấy các mảng hình chạm ra ấn vào bìa để tạo các họa tiết trang trí trên đỉnh. Sau đó lắp bìa để tạo thao, tức là khuôn đúc. Bìa và thao được để khô và nung chín vừa độ để đảm bảo khi đổ đồng, khuôn đúc không bị biến dạng.

Trước khi đổ đồng vào khuôn, người ta đào hố và cố định bìa và thao ở vị trí úp ngược trong hố, sau đó đổ cát ra ngoài để cố định khuôn. Khuôn đúc đỉnh được chôn kín trong hố cát chỉ để hở các đầu chân đỉnh để rót hợp kim đồng nóng chảy vào và cho hơi trong lòng khuôn thoát ra. Trước khi rót hợp kim đồng nóng chảy vào, khuôn phải được nung nóng lên đến nhiệt độ cần thiết để cho đồng lưu thoát kín khuôn.

Bên cạnh hố cát đặt khuôn đúc là các lò nấu đồng. Sau khi được pha chế theo đúng tỷ lệ cần thiết, hợp kim đồng được bỏ cùng với than vào hệ thống ống cơi đã được nung đỏ từ trước. Các lò bễ liên tục thổi gió qua ống máng để cho than cháy đó làm hợp kim đồng chảy ra rơi xuống nồi, tiếp tục đổ thêm hợp kim đồng đã hơ nóng từ trước vào cho đến khi tổng lượng đồng trong các lò đủ để đúc một đỉnh, thì người thợ đúc dùng que dắt hơ nóng khuấy đều nồi nước đồng cho cặn bã nổi lên bề mặt rồi vớt bỏ. Sau đó nồi cơi được đậy kín lại rôi khiêng đến hố cát đặt khuôn đúc và đổ hợp kim đồng vào các đậu rót. Do đồng khi chảy khắp khuôn là đông ngay, nên khi đúc phải đổ hợp kim đồng vào liên tục, hết nồi này sang nồi khác cho đến khi đầy khuôn.

Khuôn đúc đỉnh được rót đầy hợp kim đồng phải để nguyên cho đến khi đồng nguội mới được nhấc lên khỏi hố và đập vỡ khuôn để lấy đỉnh. Cũng như thế, phần quai đỉnh được đúc riêng rồi hàn gắn vào miệng đỉnh. Lúc đó mới chỉ là hoàn thành phần đúc thô, tiếp theo đó là các thao tác kỹ thuật làm nguội, như cắt bỏ các phần thừa, mài dũa lại bề mặt đỉnh, gọt lại các họa tiết trang trí trên đỉnh, chỉnh sửa lại các chi tiết trên đỉnh.

Đây là công đoạn kỹ thuật rất quan trọng, tạo giá trị về mặt nghệ thuật và thẩm mỹ cho đỉnh đạt đến độ hoàn chỉnh.

Công ty TNHH Đúc đồng Mỹ nghệ Quang Hà

Địa chỉ: B1 lô 9, đường Nguyễn Cảnh Dị, KĐT Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội
Xưởng sản xuất: Đường 57A, thị trấn Lâm, Ý Yên, Nam Định
Điện thoại: 0987 387 487 - 0944 448 544
Email: ducdongquangha@gmail.com