663 đường Giải Phóng, Giáp Bát, Hoàng Mai, Hà Nội

Công Ty TNHH đúc đồng mỹ nghệ Quang Hà
Hotline
0944 58 1111
Danh mục sản phẩm

Đồ thờ cúng trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (Phần 1)

Trong các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân loại từ xưa đến nay, đồ thờ cúng luôn là những thành tố đặc biệt, giữ vai trò rất quan trọng, mang tính biểu trưng trong quá trình thực hiện các nghi lễ tâm linh.

Tiêu biểu cho hệ thống các đồ thờ cúng còn bảo lưu từ thời kỳ nông nghiệp cổ xưa, gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đó là hiện tượng thờ hạt lúa thần ở một số vùng trên cả nước. Theo truyền thuyết vùng Phong Châu qua hàng ngàn năm vẫn ghi nhận rằng, điện thờ Trời trên núi Nghĩa Lĩnh là nơi hội tụ của rất nhiều hình thức tín ngưỡng thờ tự nhiên thần của người Việt cổ. Vật chứng còn tồn tại cho đến tận đầu thế kỷ XX ở trên ngọn núi này đó là hạt lúa thần.

Hạt lúa thần thực chất là tảng đá có hình dạng như một hạt lúa khổng lồ, ngự tại nơi cao nhất của cụm Nghĩa Lĩnh, phía sau là nơi xây dựng đền Thượng thờ các vua Hùng.

Một trong những loại đồ thờ cúng có tính bắt buộc cho hầu hết các nghi lễ thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ đó là thịt lợn đen. Đương nhiên đó không phải là loại được chế biến như những làng quê khác ở đồng bằng châu thổ Bắc Bộ. Thịt lợn đen được chuẩn bị để làm đồ thờ ở nơi đây gắn với tín ngưỡng tế hèm rất độc đáo.

Trong lễ hội "Rước Vua Hùng về làng ăn Tết" của cư dân làng He (nay là làng Vi và làng Trẹo), huyện Lâm Thao, nằm ngay sát chân núi Nghĩa Lĩnh, thịt lợn đen đem dâng cúng vua được chuẩn bị thông qua hình thức sinh hoạt lễ hội với một tục lệ đặc biệt. Vào hôm trước ngày nghênh kiệu lên Nghĩa Lĩnh để đón vua Hùng về làng ăn Tết các trai tráng khỏe mạnh (từ 18 đến 30 tuổi), đạo đức tốt của hai làng Vi, Trẹo được chọn ra để thực hiện việc làng năm đó. Các thanh niên được chọn lập thành hai đội, tập trung ngủ qua đêm ở nhà trưởng thôn, sáng sớm hôm sau, hai đội cùng dân làng tập trung tại cánh ruộng giữa hai đình Đông và Trẹo tổ chức thi cướp cờ. Sau đó, tiến hành lễ săn lợn, theo tục địa phương gọi là "Chạy địch".

Đại diện hai làng cho khênh hai con lợn đen tuyền, khỏe mạnh từ làng mình đưa vào bãi đã chuẩn bị trước trong lễ hội. Còn dân làng vây quanh bờ hò reo, gióng trống, chiêng cổ vũ, hai nhóm thanh niên cùng xô vào dồn lợn chạy khắp bãi. Cho đến khi hai con lợn không còn sức để chạy nữa, người ta mới bắt đem về sân đình mổ thịt. Vị chủ tế của mỗi đình cho người lấy tiết sống và toàn bộ nội tạng đem đặt lên bàn thờ nhỏ ngay gần đấy và làm lễ lấy mật khẩu tế hèm trước. Sau đó, người ta đem lòng lợn luộc chín, đặt lên ván cùng với con lợn đã được làm sạch sẽ, lấy mỡ chài phủ lên, rồi đưa vào ban thờ giữa đình làm lễ vật để cúng tế các vua Hùng. Cúng xong, người ta mang tiết và lòng ra đổ xuống cánh đồng phía trước đình làng mình, thân lợn đem ra xả thịt làm cỗ khao mọi người trong làng.

Tại làng Khả Lẫm, sau đổi tên thành làng An Lão và nay là Hùng Lô nằm cách trung tâm Nghĩa Lĩnh khoảng 9 km về phía Nam, tồn tại một lễ hội rước kiệu Vua Hùng cực kỳ hấp dẫn và đặc sắc từ hàng trăm năm nay. Đây là một trong số ít làng suy tôn các vua Hùng làm Thành hoàng, với mong ước các vị tổ tiên luôn che chở, phù hộ cho dân làng có được sự yên ấm, thanh bình. Hàng năm, cứ vào dịp mùng 10 tháng 3 Âm lịch, tục thờ cúng Vua Hùng lại được tiến hành, gắn liền với lễ hội truyền thống rước kiệu tế lễ.

rước kiệu thờ cúng Hùng Vương

Theo truyền thuyết, khi vua Hùng cùng quan quân đi săn ở rừng Thanh Sơn, Thanh Thủy thu được nhiều gà rừng quý hiếm. Trên đường về Kinh đô, qua đất Hùng Lô nghỉ chân và thịt gà khao quân cùng dân làng. Từ đó, dân làng dựng ngôi đình Hùng Lô và hàng năm, cứ vào dịp giỗ vua Hùng, cả làng lại tập trung mở hội, chọn gà làm cỗ cúng bái tại đình làng, rồi đặt lên kiệu rước về đỉnh Nghĩa Lĩnh dâng lên các vua Hùng.

Một trong các nghi thức quan trọng phục vụ các lễ tế ngày chính hội là việc chuẩn bị gà thờ. Ngay từ đầu năm mới, dân làng cùng nhau bầu chọn người phụ trách việc làm cỗ thờ và nuôi gà thờ. Tục nuôi gà thờ được thực hiện rất nghiêm ngặt, người được chọn làm cỗ thờ phải có trách nhiệm đi khắp vùng Tân Sơn từ tháng rưỡi đến hai tháng trước đó để tìm mua từ 5 đến 7 con gà về nuôi. Đó phải là gà trống thiến, có từ 8 đến 9 cựa, đẹp mã, không bị dị tật, nặng khoảng cân rưỡi đến hai cân. Trong suốt thời gian nuôi gà thờ, người đó phải ăn chay và tránh sinh hoạt vợ chồng.

Đến ngày lễ hội, con gà nào được chọn làm cỗ thờ được gọi là "Ông gà". Sau khi gà luộc đã ráo nước, chủ lễ mới đặt gà lên trên mâm xôi để bày thành mâm lễ, cùng các mâm lễ khác đã chuẩn bị từ trước đặt lên kiệu chờ sẵn ở đình làng để tế lễ các vua Hùng.

(còn nữa)

Công ty TNHH Đúc đồng Mỹ nghệ Quang Hà

Địa chỉ: B1 lô 9, đường Nguyễn Cảnh Dị, KĐT Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội
Xưởng sản xuất: Đường 57A, thị trấn Lâm, Ý Yên, Nam Định
Điện thoại: 0987 387 487 - 0944 448 544
Email: ducdongquangha@gmail.com

https://img.vietnamplus.vn/t660/Uploaded/fsmsy/2014_04_07/0407_kieubao.jpg