663 đường Giải Phóng, Giáp Bát, Hoàng Mai, Hà Nội

Công Ty TNHH đúc đồng mỹ nghệ Quang Hà
Hotline
0944 58 1111
Danh mục sản phẩm

Đồ thờ cúng trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (Phần 2)

Trong hệ thống cấu trúc đồ thờ cúng “xôi – thịt” đã tồn tại suốt chiều dài lịch sử qua hàng ngàn năm ở Việt Nam, các đồ thờ được chế tác từ gạo nếp luôn có vai trò quan trọng, ẩn chứa những triết lý và quan niệm tồn tại của cư dân nông nghiệp lúa nước. Nhìn về nguồn gốc, do nơi cư trú và công việc canh tác ở nương rẫy là chủ yếu, người Việt cổ đã quen với việc dùng gạo nếp làm lương thực phục vụ cuộc sống thường ngày.

Theo tư liệu khảo cổ học quanh vùng đất Phong Châu đã chứng minh được sự tồn tại của gạo nếp trong bữa ăn hàng ngày. Gạo nếp còn được lựa chọn làm nguyên liệu để làm ra các loại bánh trái phục vụ cho ý niệm nhớ về nguồn cội và là thứ vật thể mang tính tâm linh. Lúa nếp được dùng để nấu xôi, gói bánh phục vụ việc thờ cúng phải được trồng ở những nơi đầu nguồn, sạch sẽ, riêng biệt, không bị lẫn với nơi trồng lúa tẻ và các loại cây khác. Sau khi thu hoạch, lúa nếp phải được bó và đem treo ở nơi cao ráo, sạch sẽ, tránh những nơi uế tạp. Gạo nếp được chọn để nấu xôi, gói bánh thờ cúng phải là loại nếp cái, hạt to đều, không bị vỡ, không lẫn gạo tẻ.

Người đảm nhận công việc nấu xôi phải biết cách chọn các loại lá rừng để làm ra thêm 4 loại nước màu vàng, xanh, đen, đỏ để ngâm gạo nếp sao cho sau khi nấu được 4 loại xôi có màu tương ứng, cùng với loại xôi trắng thông thường. Có như vậy, khi đơm xôi ghép đủ 5 loại màu tượng trưng cho ngũ hành,khi đặt đồ thờ cúng vào không gian thiêng liêng nó thể hiện sự tôn kính với bậc sinh thành, bộc lộ thẩm mỹ và thể hiện triết lý sống qua hình tượng ngũ hành tương sinh, tương khắc.

Cũng từ gạo nếp, con người ta nấu và chưng cất được một thứ tinh túy chính là rượu để trở thành thứ đồ thờ cúng không thể thiếu ở mọi ban thờ nói chung và ban thờ cúng các vua Hùng nói riêng.

Theo như truyền thuyết, bánh chưng, bánh giầy do Lang Liêu tạo ra từ thời Hùng Vương thứ 6, nhờ đó mà đồ thờ cúng Hùng Vương đã có thêm một vật phẩm thờ cúng hoàn thiện về mặt triết lý, quan niệm về thế giới tự nhiên, về quan hệ xã hội và về con người. Tại những nơi có sinh hoạt tín ngưỡng thờ cúng các vị vua Hùng, hầu hết nhân dân đều coi bánh chưng, bánh giầy là thứ đồ thờ có tính bắt buộc. Vì thế, ngoài gạo nếp được sản xuất ra theo một cách nghiêm cẩn thì người làm bánh chưng, bánh giầy để thờ cúng các vua Hùng còn phải tuân thủ những quy định chung rất nghiêm ngặt.

Trước hết, loại gạo được chọn để làm bánh chưng, bánh giầy phải là gạo nếp cái hoa vàng, không được lẫn gạo tẻ, hạt to, không bị vỡ và có hương thơm. Lá dùng để gói bánh chưng phải là lá dong bánh tẻ, mặt lá to, nhẵn, lá không bị rách hay sâu. Nhân bánh được làm từ đậu xanh đã luộc chín, giã nhuyễn và thịt lợn, nhân nằm chính giữa lõi bánh. Bánh được luộc chín sau khoảng từ 10 đến 12 tiếng, sau đó vớt bánh ra và xếp lên tấm phản, ép nhẹ cho ráo nước. Sau đó, lại gói thêm một lượt lá dong mới còn xanh ra ngoài, giằng thêm một vòng lạt mới cho chắc (để khi tung bánh không bị vỡ).

Với bánh giầy, gạo nếp được nấu sao cho thành xôi không khô, không ướt. Sau đó chuẩn bị cối chày và nhanh chóng lấy xôi từ chõ ra cho vào cối, giã liên tục, mạnh mẽ. Đến khi thật nhuyễn rồi nặn thành bánh. Khi dẫn lễ thờ vào vị trí trung tâm ban thờ hoặc rước lễ theo đoàn kiệu, bao giờ hai mâm lễ bánh chưng, bánh giầy cũng đi liền nhau hoặc xếp cùng mâm để thể hiện triết lý và quan niệm về vũ trụ - trời tròn đất vuông của nhân dân ta.

Ngoài những đồ thờ cúng tiêu biểu như trên, nhiều làng quê Phú Thọ còn có nhiều loại đồ thờ cúng khác góp phần làm phong phú, đa dạng cho ban thờ ngày lễ, về cả vật chất và tinh thần. Những đồ thờ cúng ngoài dánh chưng, bành giầy đó là trầu cau, gạo trắng, muối trắng, mâm ngũ quả (thường là các loại quả không hạt)…Có nhiều nơi còn chế biến đồ thờ cúng từ cá (làng Đào Xá, huyện Thanh Thủy; làng Hùng Lô, thành phố Việt Trì,…). Đặc biệt, có nơi như các làng Cổ Tích, Hy Cương thuộc thành phố Việt Trì, lại chuẩn bị 3 đon mạ xanh tốt làm lễ dâng cùng các đồ thờ cúng khác trong các dịp lễ cúng các vua Hùng.

Bên cạnh đó, người dân ở nhiều làng quê Phú Thọ còn dùng các loại đồ thờ cúng vốn được coi là hàng mã, được làm thủ công từ mây, tre đan, dán giấy màu, ẩn chứa nhiều ý nghĩa nhân sinh. Trong lễ hội "Rước Vua Hùng về làng bản ăn Tết", người làng Vi huyện Lâm Thao lại có đồ thờ cúng riêng để phục vụ lễ tế sóc và trình voi ngay cạnh ban thờ các vua Hùng. Trước khi tổ chức lễ hội, dân làng chọn những người khéo tay làm một "ông" voi đen và hai "ông" ngựa bằng tre hoặc nứa đan, phết giấy màu, to như thật, có đầy đủ bành, yên cương. Vào ngày chính hội, cả voi lẫn ngựa được rước ra đình làng làm đồ thờ cúng các vua Hùng…

Cùng với các loại đồ thờ cúng kể trên thì vẫn còn nhiều loại đồ thờ cúng khác, có tính biểu trưng cho nếp sinh hoạt tín ngưỡng của cư dân tiểu nông và bán sơn địa, nơi được coi là Kinh đô của nước Văn Lang do các vua Hùng xây dựng. Tóm lại, dễ nhận ra 4 hệ thống đồ thờ cúng, ẩn chứa trong đó những quan niệm, triết lý gắn liền với nghề nông, biểu trưng cho các lớp văn hóa trên tiến trình lịch sử dựng nước, giữ nước đã trải qua hàng ngàn năm. Đó là các loại đồ thờ cúng mang tính biểu tượng đặc sắc được làm ra từ thực vật (hoa quả, gạo nếp), từ động vật (lợn, gà, cá), từ các vật thể tự nhiên (đá, gỗ), và loại đồ thờ hàng mã do bàn tay khéo léo của con người tạo ra (các hình động vật, voi, ngựa…).

Và, nét tương đồng hiện ra từ quá trình chuẩn bị các loại đồ thờ cúng trong các làng xã cho thấy, đó chính là sự nghiêm cẩn của tập tục, sự trân trọng trong tâm thức và hành vi (mang tính thiêng, hướng về một không gian thiêng) cùng thái độ ngưỡng vọng, tri ân sâu sắc, đậm bản sắc văn hóa của cư dân lúa nước vùng Phong Châu đối với các vua Hùng, những người có công khai sinh ra quốc gia Văn Lang, tiền thân của cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam, góp phần tạo nên giá trị văn hóa độc đáo của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

 

Công ty TNHH Đúc đồng Mỹ nghệ Quang Hà

Địa chỉ: B1 lô 9, đường Nguyễn Cảnh Dị, KĐT Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội
Xưởng sản xuất: Đường 57A, thị trấn Lâm, Ý Yên, Nam Định
Điện thoại: 0987 387 487 - 0944 448 544
Email: ducdongquangha@gmail.com