Thời gian gần đây, ngày càng xuất hiện nhiều “hiện vật lạ” (được cho là có nguồn gốc Trung Quốc) được thờ cúng tại nhiều nơi trên cả nước. Khoảng đầu năm 2014, tại chùa Bà Đá, Hà Nội, xuất hiện một bức tượng Đức Phật Dược sư rất lạ, không phải có nguồn gốc Việt Nam. Việc này đã gây bức xúc cho nhiều người dân, vì chùa Bà Đá là một trong những di tích có ý nghĩa lịch sử, văn hóa quan trọng của Hà Nội.
Cũng với đó còn nhiều thông tin phản ánh của nhân dân về việc xuất hiện ngày càng nhiều đồ thờ cúng “ngoại lai” ở các khu di tích, đình, chùa, miếu… Bộ VH-TT&DL đã chỉ đạo Cục Di sản văn hóa, Thanh tra Bộ phối hợp với Thanh tra Sở VH-TT&DL 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, tiến hành thanh tra rất nhiều di tích quan trọng, trong đó bao gồm cả những di tích được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước cũng như nguồn vốn xã hội hóa.
Ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho biết: “Qua kiểm tra các di tích ở 63 tỉnh, thành cho thấy, người dân đã tự ý đưa rất nhiều các hiện vật lạ, có xuất xứ từ nước ngoài vào các di tích. Chẳng hạn họ đưa bát hương, đèn chiếu sáng, lọ đựng hương, lọ lục bình... để thờ cúng và trấn yểm. Những hiện vật lạ này đều có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Riêng Hà Nội có hơn 6.000 di tích được xếp hạng, trong đó có khoảng 200 di tích có sử dụng hiện vật thờ cúng “ngoại lai” là sư tử đá và đèn đá. Các đoàn kiểm tra đã nhắc nhở các địa phương, đồng thời phối hợp với các cơ quan truyền thông nâng cao nhận thức, tuyên truyền việc di dời các hiện vật lạ khỏi di tích. Chủ trương của Bộ VH-TT&DL là để cho các địa phương thực hiện công văn chỉ đạo của Bộ trước Tết Nguyên đán, thực hiện việc di dời tượng, sư tử đá, đèn đá và các hiện vật “ngoại lai” ra khỏi di tích. Đến tháng 7-2015, Bộ sẽ kiểm tra. Nếu các địa phương không thực hiện nghiêm, Bộ sẽ có những hình thức nghiêm để xử lý, yêu cầu các địa phương bắt buộc phải thực hiện”.
Sư tử đá Trung Quốc vẫn còn xuất hiện ở nhiều nới
Không tiếp tay truyền bá văn hóa “ngoại lai”
Một trong những nguyên nhân khiến đồ thờ cúng ngoại lai có cơ hội lọt vào các đình, chùa, miếu mạo ở nước ta là do các công ty sản xuất đồ thờ cúng ở Việt Nam rất nhiều, nhưng chưa thu hút được người tiêu dùng, do tâm lý chung của người Việt Nam không “chuộng” đồ nội, “sính” đồ ngoại. Mặt khác, những sản phẩm thờ cúng do nước ngoài sản xuất thường rất đẹp, bắt mắt, trong khi giá thành lại rẻ. Chính vì thế mà người dân Việt Nam mua đồ thờ cúng của nước ngoài rất nhiều.
Trao đổi với phóng viên ANTĐ, Giáo sư, Viện sĩ Lương Ngọc Huỳnh chia sẻ: “Đồ thờ cúng ngoại nhập mang bản sắc của nước ngoài, người Việt Nam dùng đồ thờ cúng nước ngoài giống như tiếp tay cho văn hóa nước ngoài xâm lấn văn hóa Việt Nam, làm mất đi nền tảng văn hóa cốt lõi của người Việt. Đây là sự vi phạm văn hóa, không tôn trọng chính nền văn hóa của nước Việt Nam. Trong các hiện vật thờ cúng ngoại nhập, người dân Việt Nam không thể biết được nguồn nguyên liệu làm ra sản phẩm được lấy từ đâu! Có tốt hay không!”.
Giáo sư Lương Ngọc Huỳnh cho biết thêm, những đồ thờ cúng linh thiêng nhưng nếu được làm bằng đất ở vùng đất xấu thì không có linh khí. Trung Quốc rất nổi tiếng về việc thu nhập phế liệu, mà phế liệu thường rất bẩn, không tốt, nếu như họ nấu lại và làm thành đồ thờ cúng rồi xuất khẩu, người Việt Nam không biết lại mua đem về thờ thì không những không tốt, mà còn làm uế tạp sự linh thiêng trên bàn thờ. Những người “cung tiến” đồ thờ cúng lên đình, chùa thường hay mua những đồ đắt tiền, đẹp mắt nhưng họ lại không có khả năng để kiểm tra xem về giá trị tâm linh cũng như nguồn gốc văn hóa, vô hình trung đã biến nơi thờ tự thành chốn tạp nham, lộn xộn!