663 đường Giải Phóng, Giáp Bát, Hoàng Mai, Hà Nội

Công Ty TNHH đúc đồng mỹ nghệ Quang Hà
Hotline
0944 58 1111
Danh mục sản phẩm

Đôi điều về vị trí hoành phi - câu đối đối với người Việt Nam

Đây là một trong những cách tao nhã để thể hiện gia phong của một gia đình Việt xưa. Người ta khó có thể hình dung được một gia đình được xem là gia giáo nếu thiếu vắng đi bức hoành phi – câu đối. Như thế đủ thấy “món” này từ lâu đã trở thành chuẩn mực về một lối sống truyền thống. Xưa kia, mỗi khi nhà ai có việc lớn như: mừng tân gia, vinh quy bái tổ, mừng thọ cha mẹ… người ta thường tặng nhau đôi câu đối; sang hơn nữa thì tặng cả bức hoành phi.

Bức hoành phi, được bố cục theo chiều ngang và thường treo trên xà ngang gian giữa, ở phía trên câu đối, dùng để ngăn cách không gian bên ngoài với khu vực thờ cúng tổ tiên. Hoành phi – câu đối luôn đi thành bộ trong lối chơi chữ được người dân ưa chuộng từ lâu. Người có của thường có hoành phi – câu đối sơn son thếp vàng. Nếu nhà không đủ điều kiện để thếp vàng, thì vẫn nền son và thếp bạc. Kẻ nghèo thì không vàng cũng chẳng bạc, chỉ có son nải vóc và nét chữ là chút nhựa cây sơn. Còn câu đối bằng tre năm chữ hoặc bảy chữ thường thấy nơi vách nhà mấy ông đồ Nho. Còn nhà nghèo thì chẳng mơ gì đến hoành phi – câu đối; nhưng họ vẫn xin các bậc cao niên dăm ba nét trên giấy điều đỏ mỗi khi có dịp thì dán lên vách, lên cửa. Được như vậy đã lấy làm hãnh diện lắm.

Thú chơi hoành phi – câu đối nó đã vượt lên thói thường; trở thành văn hóa của cả một dân tộc. Sự thật hiển nhiên là hoành phi – câu đối đã tồn tại hàng tram hàng ngàn năm nay nhưng hiểu được ý nghĩa của chúng lại không có mấy người. Có lẽ đây là hệ lụy từ việc cách tân quốc ngữ và chiến tranh trong thời gian dài của nước ta trong hơn nửa thế kỷ qua và đã đến lúc cần phải được các cơ quan văn hóa quan tâm.

Vì vậy mà ngày nay người biết đọc, biết viết hoành phi – câu đối cũng không còn nhiều. Và phần lớn trong số họ là những người biết chữ Hán – Nôm từ thế kỷ trước; phần còn lại là một số người trẻ yêu chữ mà sớm trở thành “nhà Nho”. Chính vì thế, hoành phi – câu đối cổ lại càng trở thành cổ ngoạn cùng với vô vàn sự bí hiểm bởi sự mai một của dạng văn tự này.

Thường thì hoành phi – câu đối đi cùng một diềm gỗ sơn thếp trang trí cho gian giữa của một ngôi nhà cổ nào đó. Phần ngăn cách không gian giữa nhà chính với nơi cúng trong một ngôi nhà được gọi là: Cửa võng. Cửa võng thường do các tay nghề lão luyện đục chạm với hàng ngàn hàng vạn hình khác nhau, từ hoa lá, cỏ cây cho đến chim muông, cầm thú… Đa số cửa võng thường được thếp vàng hoặc bạc.

Chữ phổ biến nhất trên các bức hoành phi là: “Đức Lưu Quang”, có nghĩa là đức còn sáng mãi, ngụ ý dạy con cháu chữ “Đức” trong cách hành xử. Hoặc là một vài chữ khác chỉ về sự tôn sư trọng đạo và học vấn hay là y thuật…cũng thường được dùng. Cũng có bức hoành phi lại được chạm khắc theo lối cổ đồ – biểu tượng cho “Phúc – Lộc – Thọ”… Đa phần các bức hoành phi đều được sơn thếp, nhưng cũng có loại khảm trai, khảm ốc. Nền của hoành phi là lớp sơn đen hoặc màu son; nhưng cũng có khi điểm mây lãng đãng rồi phủ vàng bạc cho quý phái. Mỗi bức hoành phi thường chỉ có từ ba đến bốn chữ.

Hoành phi – câu đối có kiểu chữ khắc chìm và khắc nổi. Sợ phạm vào chữ của Thánh hiền nên nhiều hoành phi – câu đối khắc nổi người thợ chỉ dám đục đúng đến chân chữ rồi ngừng; sau đó đi tiếp các hoa văn khác như tản vân, cẩm quy hay chữ vạn. Câu đối thường hay khắc chìm trên một tấm gỗ phẳng, có mộng ngang ở hai đầu để tránh bị cong vênh. Nhưng có một số câu đối được khắc trên ba hay năm tấm gỗ ghép lại ôm lấy thân cột với hàm ý “Ngũ phúc” hay “Tam đa”, câu đối loại này được gọi là câu đối lòng mo.

Đa phần các hoành phi – câu đối thường dùng chữ Hán, còn chữ Nôm ít được dùng vì bị cho là chữ của thứ dân. Ba loại chữ thường được dùng nhất trên các bức hoành phi câu – đối là: “Chân”, “Lệ” và “Triện”. Khó có thể nói kiểu nào đẹp hơn vì những người trẻ tuổi thích bay nhảy thường ưa chữ “Chân”; trong khi đó bậc trung niên đã qua nhiều trải nghiệm lại thích kiểu chữ “Lệ” mực thước; còn các bậc bô lão, cao nhân lại thích lối chữ “Triện” với tất cả tính khuôn phép của nó… Tóm lại chữ tùy vào sở thích mỗi người, nên không thể biết dạng chữ nào hay hơn, đẹp hơn. Tuy nhiên, trên những bức hoành phi - câu đối chưa từng thấy xuất hiện những nét “cuồng thảo”.