Theo tín ngưỡng của người Việt, ban thờ trong mỗi gia đình là nơi trang nghiêm, tôn kính nhất, thường được trang hoàng bằng những món đồ thờ cúng tốt nhất. Thế nhưng có những nguyên tắc của phong tục tốt đẹp từ ngàn đời này mà không phải ai cũng biết.
Người Việt quan niệm rằng con người ta sinh ra và được sống đến ngày hôm nay là nhờ vào ông bà tổ tiên. Tổ tiên giống như gốc rễ của cây đại thụ còn con cháu giống như cành lá, gốc rễ có khỏe mạnh thì cành lá mới có thể khỏe mạnh tốt tươi. Phong tục thờ cúng tổ tiên chính là sự ghi nhớ công ơn của con cháu đối với ông bà tổ tiên và mong được ông bà tổ tiên phù hộ.
Ngoài thờ cúng tổ tiên, thờ cúng thần linh cũng là một trong những phong tục của người Việt đã có từ lâu đời. Trước kia do cuộc sống dựa chủ yếu vào tự nhiên nên người xưa lập đàn cúng tế thần linh, mong mưa gió thuận hòa, đem đến phúc lộc. Cùng với đó là phong tục thờ phật, ngoài các ngôi đền chùa lớn nhỏ ở khắp các địa phương trên cả nước thì trong nhiều gia đình vẫn có bát hương thờ phật để tiêu tai nạp phúc, mong muốn sự nghiệp được thuận lợi, gia đình an lành.
Ban thờ thần phật thường được đặt ở sảnh giữa nhà, tựa lưng vào tường vững chắc hoặc có thể để chung với bàn thờ gia tiên. Nhưng cho dù đặt chung hay riêng thì cũng đều có những nguyên tắc cần phải tuân thủ: Gia tiên là chủ nhân, thần phật là khách quý, có thể nhà có chủ nhân nhưng không có khách, không được có khách mà không có chủ.
Nhưng không phải tùy tiện thích đặt ban thờ thế nào thì đặt, người ta cho rằng chỉ cần nhìn vào nơi thờ cúng của gia đình là có thể biết gia chủ có tâm hay không. Cái tâm không phải là mâm cao cỗ đầy, vàng mã bao nhiêu mà là ở vị trí đặt bàn thờ, cách sắp xếp ban thờ như thế nào cho trang nghiêm và sạch sẽ.
Theo quan niệm phong thủy thì ban thờ là nơi quy tụ linh khí, là chỗ để người trên dương thế liên hệ với người đã khuất. Vì thế ban thờ cần được sắp đặt một cách hợp lý để cho người đã khuất an định ở lại phù hộ cho gia đình. Theo quan niệm phong thủy thì ban thờ nên quay ra cửa chính, không nên ngược với hướng nhà dễ gây ra điều không may đối với gia đình. Ban thờ thần phật thì đơn giản hơn, có thể đặt ở hướng chính hoặc quay bên trái, bên phải đều được nhưng vẫn cần tránh quay ngược lại hướng nhà. Ban thờ gia tiên nên đặt ở tầng một, gian chính giữa nhà, quay ra cửa chính để khi vừa mở cửa vào đã nhìn thấy gia tiên.
Số lượng thần phật thờ trong nhà phải dùng số lẻ, không nên thờ cùng lúc quá nhiều thần phật hoặc là thờ cùng lúc hai thần xung khắc nhau có thể dẫn đến loạn linh khí khiến người trong nhà dễ gặp tai họa. Nếu tượng thần phật bị nứt hay vỡ thì nên nhanh chóng thay mới để tránh tà khí xâm nhập vào.
Nếu ban thờ chung cả thần phật và bài vị tổ tiên thì thần phật đặt ở bên trái, tổ tiên đặt ở bên phải, không được đặt ngược lại vì như thế sẽ gây âm thịnh dương suy không tốt cho những người trong nhà. Tổ tiên là chủ, thần phật là khách quý, vì thế nên đặt nơi thờ cúng tổ tiên trước rồi mới đặt nơi thờ thần phật, nếu mời thần phật trước rồi mới mời tổ tiên sẽ khiến tổ tiên nhà mình không dám vào cửa. Và bài vị tổ tiên cũng không nên đặt cao hơn tượng thần phật. Ban thờ phải có chỗ dựa lưng để linh khí được hội tụ không bị tiêu tán.
Bát hương thờ tổ tiên nên có tay cầm, bát hương thờ thần thì không nên. Vật liệu bát hương tốt nhất là dùng bằng sứ hoặc đồng, không nên dùng đá hoa cương.
Bóng đèn phía trước không nên chiếu thằng vào ban thờ. Ban thờ cũng không được đặt ở vị trí ngay dưới xà nhà, ngoài ra bên trên ban thờ không được có máy móc như máy điều hòa, máy hút mùi hay loa đài.
Số lượng thần phật thờ nhiều nhất là 3, không nên quá nhiều dễ gây bất an cho người trong nhà. Bát hương không nên quá đầy tro, ngày 15 âm lịch hàng tháng có thể rút bớt chân hương cho sạch sẽ.
Bát hương thờ thần phật nên đặt cao hơn bát hương thờ tổ tiên, khi cắm hương thì nén hương nên cao hơn mắt người. Khi đốt hương chỉ nên đốt một que, còn nếu có điều cần khấn thì đốt ba que, không nên đốt nhiều hơn dễ dẫn dụ tà linh vào nhà. Vật phẩm thờ cúng cũng cần chú ý chỉ được dùng đồ chay, chủ yếu dùng hoa quả và phải là số lẻ.