Ở Việt Nam, tín ngưỡng thờ cúng thánh Mẫu (còn gọi là thờ Mẫu) là tín ngưỡng mang đậm tính chất bản địa và nguyên thuỷ. Bởi vì tín ngưỡng thờ cúng này có nguồn gốc sâu xa bắt nguồn từ chế độ mẫu hệ, khi người mẹ, người vợ giữ vị trí trụ cột gia đình. Do vậy, trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong nghệ thuật, văn chương thì chữ “Mẫu”, chữ “Mẹ” vẫn giữ nguyên giá trị của nó cho đến tận bây giờ.
Tượng Thánh Mẫu Cửu Trùng Thiên
Thánh Mẫu trong tín ngưỡng thờ cúng Thánh Mẫu của người Việt Nam cũng không nằm ngoài ý nghĩa đó. Ra đời từ cuộc sống đấu tranh chống lại thiên nhiên khắc nghiệt, với ngoại xâm tàn bạo, với cường quyền đè nén, tín ngưỡng thờ cúng Thánh Mẫu có một mối gắn bó rất tự nhiên và chặt chẽ với nhân dân lao động, cho nên hình thức của đền thờ Mẫu vừa nhỏ nhắn về kích thước lại vừa giản dị về các họa tiết tranh trí, chỉ tương đương với nhà khá giả ở nông thôn, đầu hồi có cửa gỗ và mái lợp ngói. Trong đền thờ không để nhiều tượng lớn mà người ta chỉ để các khám thờ bên trong có các bức tượng nhỏ. Khám thờ được chạm trổ như một ngôi chùa nhỏ bằng loại gỗ không bị mối mọt.
Cách bài trí của đền thờ Mẫu cũng khác với cách bài trí của chùa. Ở chùa người ta bố trí các gian thờ, tượng thờ theo thứ tự tu hành của đạo Phật, còn ở đền thờ Mẫu người ta lại sắp xếp theo Tứ phủ: Mẫu Thiên, Mẫu Địa, Nhạc Mẫu và Mẫu Thoải. Ở điện thờ Mẫu Thiên, người ta trang trí các họa tiết thuộc về cõi trời; Mẫu Địa thì là cảnh núi non, bờ đất; Nhạc Mẫu thì làm các cảnh núi non, cây cỏ và các cô thiếu nữ mặc áo chàm; Mẫu Thoải thì lại là mô hình bờ sông và các bè trôi trên sông đó. Như vậy, cách bài trí trong đền thờ Mẫu đựợc mô tả theo cảnh sắc tự nhiên và gắn bó mật thiết với cuộc sống mỗi con người.
Tín ngưỡng thờ cúng Thánh Mẫu chịu ảnh hưởng của đạo Phật cho nên ở các điện thờ Mẫu thường có tượng phật để thờ thêm, và Phật giáo cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ từ đạo thờ Mẫu của nước ta. Ngay từ khi Phật giáo du nhập vào nước ta từ khoảng thế kỷ VI đã được nhân dân lao động đón nhận, tuy nhiên Phật giáo để tồn tại được ở Việt Nam cũng có những thay đổi nhất định cho phù hợp với các tín ngưỡng thờ Mẫu và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đã tồn tại từ rất lâu đời ở nước ta. Trong quá trình Phật giáo du nhập vào nước ta, tín ngưỡng thờ Phật và tín ngưỡng thờ Mẫu có sự phát triển theo hương dân gian hóa và dần ảnh hưởng đến nhau. Hiện nay hầu hết các ngôi chùa đều có điện thờ Mẫu và nhiều đền thờ Mẫu cũng thờ Phật. Người ta đi chùa vừa là để lễ Phật, vừa là để cúng Mẫu. Trong các điện thờ Mẫu ta đều thấy sự hiện diện của Phật, đại diện cao nhất đó là Phật Bà Quan Âm cứu khổ cứu nạn chúng sinh. Cần nhấn mạnh rằng: Quan Âm trong Phật giáo gốc ở Ấn Độ vốn là một nam thần, nhưng khi đến nước ta đã bị “nữ thần hóa”, hay “Mẫu hóa” trở thành Quan Âm Thánh Mẫu theo tín ngưỡng thờ cúng Thánh Mẫu của người Việt Nam. Trong các dịp giỗ Mẫu thì đều có nghi thức rước Mẫu lên chùa và đón Phật về đền cùng tham dự ngày hội.
Tượng Phật bà Quan Âm
Sự thâm nhập và ảnh hưởng lẫn nhau của Phật giáo và tín ngưỡng thờ cúng Thánh Mẫu theo hướng dân gian hóa là điều dễ hiểu, vì cả hai đều hướng về cái từ bi bác ái, tinh thần cộng đồng, tinh thân dân tộc, khuyến thiện trừ ác vốn đã là nền tảng trong hệ thống các nguyên tắc ứng xử của xã hội từ xa xưa. Hai thứ tín ngưỡng này kết hợp và bổ sung cho nhau để đáp ứng nhu cầu tâm linh của mọi người dân: Theo Phật là để tu nhân tích đức cho đời, để được đến cõi Niết Bàn, còn thờ Mẫu là mong được sự phù hộ độ trì đem lại tài lộc và may mắn.
Các nghi thức của tín ngưỡng thờ Mẫu cũng rất gần gũi với cuộc song hàng ngày. Ở các nơi thờ cúng, ta thường thấy có rất nhiều các đồ dùng trong sinh hoạt hàng ngày như khay đựng trầu cau, quạt, nón, ấm nước… Các đồ vật này thường được làm bằng giấy tráng kim rực rỡ và mềm mại, duyên dáng rất phù hợp với tính cách nữ. Màu sắc trong đền thờ thường là các màu sặc sỡ, chủ yếu 5 màu chính: Xanh, đỏ, vàng, trắng, đen tức. Năm màu này gắn liền với hình tượng Thánh Mẫu như Mẫu Thiên thường dùng y phục màu xanh, Mẫu Địa thì y phục màu vàng… Các yếu tố ấy lại tương ứng với thuyết “Ngũ phương”, “Ngũ hành” là những thuyết mang đậm tính chất văn hóa của người Á Đông.
Các điệu múa trong các lễ hội ở các đền thờ Mẫu mang tính dân gian Việt Nam rất rõ, nhất là các hình thức múa của phụ nữ, có thể chỉ là mặc áo chàm, áo tứ thân và múa những điệu múa tương tự như múa chèo nhưng lời ca, nhịp điệu lại hợp với nhạc cung văn. Cũng có những điệu múa mà người múa đội trên đầu một mâm lễ đầy nhưng rất mềm mại, uyển chuyển mà không làm rơi các thứ đồ lễ bày trên mâm. Mặt khác, nếu tìm hiểu sâu thêm về đạo thờ Mẫu chúng ta sẽ tìm thấy những giá trị có tính nhân văn cao trong phong các tục tập quán của tổ tiên ta từ xưa truyền lại, cùng với đó là góp phần ngăn chặn kịp thời những biểu hiện sai lệch trong tín ngưỡng thờ cúng Thánh Mẫu làm ảnh hưởng không tốt đến nhiều người.
Như vậy, tín ngưỡng thờ cúng Thánh Mẫu góp phần duy trì và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Đó là các phong tục tập quán đã có từ rất lâu đời từng tạo nên sức mạnh của nhân dân ta trong lịch sử xậy dựng và bảo vệ đất nước; là nền tảng đạo đức tốt đẹp trong cách thức ứng xử giữa người với người, giữa nhân dân với tổ quốc.
Công ty TNHH Đúc đồng Mỹ nghệ Quang Hà
Địa chỉ: B1 lô 9, đường Nguyễn Cảnh Dị, KĐT Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội
Xưởng sản xuất: Đường 57A, thị trấn Lâm, Ý Yên, Nam Định
Điện thoại: 0987 387 487 - 0944 448 544
Email: ducdongquangha@gmail.com