663 đường Giải Phóng, Giáp Bát, Hoàng Mai, Hà Nội

Công Ty TNHH đúc đồng mỹ nghệ Quang Hà
Hotline
0944 58 1111
Danh mục sản phẩm

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên - Bản sắc văn hóa của người Việt (Phần 1)

Trong các loại hình tín ngưỡng dân gian, thờ cúng tổ tiên là loại hình tín ngưỡng cổ truyền mang tính phổ biến nhất của người Việt Nam. Đã là người Việt Nam thì đều thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã mất.

Thờ cúng tổ tiên từ lâu đã trở thành một tập tục truyền thống, có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống tinh thần của cả dân tộc Việt Nam, đó là một trong các yếu tố tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam rất riêng. Từ xa xưa, người ta tin rằng tổ tiên mình là thiêng liêng, tuy họ mất đi nhưng không có nghĩa là họ vẫn luôn nhìn theo con cháu, phù hộ cho con cháu gặp nhiều may mắn, thành công trong cuộc sống…

Ở nước ta, thờ cúng tổ tiên là tín ngưỡng phổ biến ở hấu hết các dân tộc trên mảnh đất Việt Nam. Trải qua bao thăng trầm, biến cố của lịch sử, trong khi các tôn giáo, tín ngưỡng dân gian khác đã bị coi là “mê tín dị đoan” thì tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên vẫn luôn chiếm được vị trí thiêng liêng trong đời sống tâm linh của người Việt. Ý niệm “con người có tổ, có tông” được người Việt bảo tồn và lưu truyền từ ngàn đời nay, cho dù họ sống ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Đây là hình thức tín ngưỡng được các thể chế Nhà nước từ xưa đến nay thừa nhận, dù rằng với nhiều mức độ khác nhau. Cùng với sự thay đổi của lịch sử dân tộc, thờ cúng tổ tiên là sự bồi lắng, kết tụ các giá trị đạo đức quý báu của người Việt Nam.

1. Nguồn gốc của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt xuất hiện từ khi nào? Cho đến nay có rất nhiều giả thuyết cho rằng nó được hình thành vào thời kỳ Bắc thuộc, là hệ quả của sự ảnh hưởng văn hóa Hán. Và một số giả thuyết khác lại đặt ra các nghi vấn: liệu thời điểm ra đời của nó có thể sớm hơn không, mối quan hệ giữa các yếu tố bản địa và các yếu tố du nhập trong việc bắt đầu hình thành tín ngưỡng này đã diễn ra như thế nào? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu từ nền tảng văn hóa, xã hội của cộng đồng cư dân Việt từ xưa đến nay.

Cơ sở đầu tiên và cũng là quan trọng nhất cho việc hình thành bất cứ tôn giáo hay tín ngưỡng nào là quan niệm của con người về thế giới tâm linh. Giống như nhiều dân tộc khác, người Việt xuất phát từ nhận thức “vạn vật hữu linh” - mọi vật đều có linh hồn, và bắt đầu từ giới tự nhiên xung quanh mình. Vì thế, loại thần cổ sơ nhất được người ta sùng là các nhiên thần, đặc biệt là thần cây, thần núi, thần sông.... Bằng cách huyền thoại hóa, các vị nhiên thần đã được mang khuôn mặt của con người (hiền hậu hay dữ tợn), tâm lý của con người (vui mừng hay giận giữ). Có thể nói việc nhân hóa các thần tự nhiên đã tạo ra một bước chuyển cho việc hình thành hệ thống nhân hóa. Đây cũng chính là giai đoạn con người bắt đầu khám phá về bản thân mình. Đến một thời điểm nào đó, mối quan hệ giữa cái hữu hình và cái vô hình, nhất là cái sống và cái chết đã làm con người bận tâm. Vẫn với quan niệm vật linh kể trên, họ tin rằng trong mỗi con người đều có phần “hồn” và “vía”.

Người Việt không có ý thức về thiên đàng và địa ngục giống như Kitô giáo hay thuyết luân hồi chuyển kiếp của đạo Phật. Trong nhận thức của người Việt từ xa xưa,con người ta gồm có hai phần là thể xác và linh hồn. Khi sống chúng gắn bó chặt chẽ với nhau, còn khi chết thể xác đã hòa vào cát bụi nhưng linh hồn vẫn tồn tại và chuyển sang một thế giới khác được gọi là cõi âm. Ở đó cũng có mọi nhu cầu như cuộc sống bình thường vậy. Và người ta tin rằng nếu linh hồn người chết không được cung cấp đầy đủ sẽ trở thành “ma đói” lang thang, quấy nhiễu người sống.

Mối quan hệ giữa người sống và người chết có chung huyết thống lại càng gắn bó sâu sắc hơn. Ông bà, cha mẹ dù đã qua đời nhưng vẫn luôn hiện diện trong tâm trí của con cháu, và con cháu luôn cảm thấy có trách nhiệm về cả vật chất và tinh thần đối với họ. Chính niềm tin vào cái chết chỉ là một cuộc trở về với tổ tiên, ông bà và tổ tiên sẽ dõi theo, phù hộ cho con cháu là cơ sở hình thành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt.

Người Việt cổ cũng có những cơ sở nhất định về kinh tế xã hội tạo điều kiện cho việc hình thành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Đầu tiên phải kể đến là nền kinh tế tiểu nông tự cung tự cấp. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho sự xuất hiện của tín ngưỡng đa thần. Bên cạnh đó hình thức cư trú theo làng xã là nhân tố quan trọng gắn bó chặt chẽ các thành viên của gia đình thuộc nhiều thế hệ khác nhau, rộng ra là gắn bó cả dòng họ, dòng tộc. Trước làng, con người ta không còn tồn tại với tư cách cá nhân nữa mà lại tồn tại dưới danh nghĩa gia đình hay dòng họ. Đây là một điều kiện thuận lợi cho việc củng cố và phát triển ý thức dòng tộc, dòng họ mở rộng ra là ý thức dân tộc từ đó tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên dần dần được hình thành.

Còn một khía cạnh khác về mặt kinh tế đó là do đặc trưng khí hậu nhiệt đới gió mùa nên Việt Nam sản xuất lúa nước quy mô nhỏ kết hợp với nuôi gia súc. Vì vậy canh tác không đòi hỏi tập trung nhân công theo quy mô lớn, công cụ sản xuất cũng nhỏ gọn, phụ nữ, trẻ em đều có thể dễ dàng sử dụng. Điều này khiến người Việt càng gắn bó với gia đình, rộng ra là gắn bó với dòng họ. Hầu như gia đình nào cũng có bàn thờ tổ tiên nhưng không phải dòng họ nào cũng có nhà thờ họ.

Ngoài ra hình thức tổ chức xã hội cũng là yếu tố quan trọng cho việc hình thành tín ngưỡng thờ cúng. Ở giai đoạn chế độ thị tộc phụ quyền, người đàn ông nắm giữ quyền hành quản lý gia đình vì họ có vai trò quan trọng trong hoạt động kinh tế nông nghiệp sơ khai thời bầy giờ, vợ con họ tuyệt đối phục tùng và tôn trọng uy quyền đó không chỉ khi họ còn sống mà cả sau khi họ qua đời. Đây cũng là một điều kiện hình thành nên tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.

Như vậy, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ra đời và duy trì dựa trên những điều kiện kinh tế xã hội nhất định. Từ hình thức liên minh cộng đồng nguyên thủy đến hình thức liên kết gia đình sơ khai theo trục huyết thống nam đã là một chặng đường lịch sử khá dài. Theo con đường “ chung tộc danh về phía bố”, các gia đình nhỏ liên kết lại với nhau thành họ. Đây là loại đơn vị ngoại hôn vì các thành viên trong họ liên kết với nhau bằng sợi dây huyết thống và cùng chung một vị thủy tổ.

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở người Việt đã hình thành, tồn tại và phát triển trên cơ sở quan niệm tâm linh và một nền tảng kinh tế xã hội tư tưởng khá bền vững. Có thể nói những yếu tố tâm linh có tính bản địa và mộc mạc đã được thể chế hóa, hợp pháp hóa nhờ hệ tư tưởng Nho giáo và sự ủng hộ của các vương triều. Chính vì vậy, tín ngưỡng này đã được bảo tồn qua suốt tiến trình lịch sử nhiều biến động.

(còn nữa)

Công ty TNHH Đúc đồng Mỹ nghệ Quang Hà

Địa chỉ: B1 lô 9, đường Nguyễn Cảnh Dị, KĐT Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội
Xưởng sản xuất: Đường 57A, thị trấn Lâm, Ý Yên, Nam Định
Điện thoại: 0987 387 487 - 0944 448 544
Email: ducdongquangha@gmail.com