2. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là gì?
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là quan niệm về sự tồn tại của linh hồn người đã qua đời và mối liên hệ giữa người đã chết và người sống. Trong tín ngưỡng này đạo lý uống nước nhớ nguồn là nội dung nổi trội, một mặt là để con cháu bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các bậc sinh thành, mặt khác nó cũng thể hiện trách nhiệm của con cháu đối với tổ tiên của mình.
Bên cạnh đó cũng cần nhắc tới đặc trưng “duy tình” của người phương Đông nói chung và người Việt nói riêng. Người Việt luôn luôn chịu sự chi phối bởi mong muốn được nhận “phúc ấm của tổ tiên” hay “sống vì mồ mả, ai sống vì bát cơm”, bên cạnh đó là lo trách nhiệm để đem lại phúc lộc cho con cháu. Khi cúng lễ tổ tiên, con người ta hướng về những điều trong quá khứ, giáo dục truyền thống gia đình cho con cháu và chuẩn bị cho tương lai. Điều này tạo nên đường dây thế hệ và cũng là đường dây đạo lý sẽ luôn liên tục nối tiếp, phát triển trong xã hội.
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên còn mang ý nghĩa lớn về mặt tổ chức cộng đồng trong xã hội truyền thống từ xưa đến nay. Sống trong xã hội, con người ta không thể sống biệt lập, đơn độc. Theo trục phụ hệ, thờ cúng tổ tiên là sự tiếp nối liên tục các thế hệ, mỗi người đều có trách nhiệm thờ phụng bốn đời trước: cao, tằng, tổ, khảo và họ cũng tin rằng họ sẽ được con cháu bốn đời kế tiếp thờ cúng. Ngoài ra thờ cúng tổ tiên còn gắn bó con người trong các mối liên kết dòng họ: họ cha, họ mẹ, họ vợ (hay chồng). Dòng họ, một tập thể bao gồm cả người sống và người đã khuất gắn bó với nhau về huyết thống và cùng thờ một thủy tổ, có sức mạnh bảo đảm giá trị tinh thần cho tất cả thành viên.
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên còn có vai trò tổ chức liên kết cộng đồng, cả dân tộc Việt Nam đều có niềm tin rằng có chung một cội nguồn, là “đồng bào” của nhau và cùng là “con Lạc cháu Hồng” – “con Rồng cháu Tiên”. Và đó cũng là sức mạnh giúp cho dân tộc ta đoàn kết vững vàng trước mọi sự đe dọa của các thế lực bên ngoài.
Suốt từ thế kỷ XV đến nay, Hùng Vương được coi là quốc tổ, ý thức này đã đóng một vai trò đặc biệt quan trọng đối với đời sống tâm linh của cả dân tộc. Ngày 10 tháng 3 âm lịch – ngày Giổ Tổ Hùng Vương, đã chính thức trở thành Quốc giỗ của Việt Nam, đây cũng là một nét đẹp trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt.
Nội dung của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên bình dị và giàu tính thực tiễn, không cực đoan như nhiều tín ngưỡng khác. Vì thế nó dễ dàng được nhiều người kế tục và lưu truyền trở thành phong tục, nếp sống bám rễ sâu trong nhận thức của mỗi người dân Việt Nam. Qua việc thờ cúng tổ tiên, thế hệ đi trước muốn làm gương cho thế hệ sau không chỉ về trách nhiệm đối với tổ tiên và giáo dục, dạy dỗ cho con cháu lưu truyền nòi giống. Lời khấn vái khi tế lễ thường rất giản dị và mang tính thực tiễn: cầu xin che chở, phù trợ cho con cháu trong cuộc sống hàng ngày và công việc được thuân lợi. Không biết sự cầu xin đó có hiệu quả như nào, nhưng trước hết qua đó con người cảm thấy thanh thản về tâm linh và đó còn là điểm tựa tinh thần quan trọng cho mỗi người trong cuộc sống. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên còn thể hiện mối quan hệ hai chiều giữa người sống và người đã chết. Với những mong muốn và niềm tìn bình dị, thờ cúng tổ tiên là thứ tín ngưỡng phù hợp với tất cả mọi người về nội dung đạo lý cũng như nghi thức thực hiện. Vì thế nên tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đã tồn tại qua rất nhiều thế hệ từ xưa đến nay và phổ biến rộng khắp trong dân gian.
Các tôn giáo khác du nhập vào Việt Nam để tồn tại được đã buộc phải dung hòa với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đã cắm rễ sâu trong tiềm thức của người Việt. Còn các tôn giáo có nguồn gốc trong nước như Cao Đài, Hòa Hảo cũng phải dựa trên cơ sở của tín ngưỡng thờ cúng để phát triển. Không chỉ các tôn giáo này, mà ngay cả các tín ngưỡng dân gian khác như thờ thành hoàng, thờ Mẫu…cũng là phát triển từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, là sự biết ơn cội nguồn, biết ơn các bậc sinh thành.
(còn nữa)
Công ty TNHH Đúc đồng Mỹ nghệ Quang Hà
Địa chỉ: B1 lô 9, đường Nguyễn Cảnh Dị, KĐT Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội
Xưởng sản xuất: Đường 57A, thị trấn Lâm, Ý Yên, Nam Định
Điện thoại: 0987 387 487 - 0944 448 544
Email: ducdongquangha@gmail.com