663 đường Giải Phóng, Giáp Bát, Hoàng Mai, Hà Nội

Công Ty TNHH đúc đồng mỹ nghệ Quang Hà
Hotline
0944 58 1111
Danh mục sản phẩm

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên - Bản sắc văn hóa của người Việt (Phần 3)

3. Nghi thức thờ cúng tổ tiên

Theo quan niệm tâm linh của người Việt Nam, tổ tiên là những người đã sinh ra mình, là những người có công tạo ra cuộc sống hiện tại. Không chỉ vậy, tổ tiên còn là những người có công xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước khỏi giặc ngoại xâm, ví dụ như Trần Hưng Đạo đã trở thành "Cha" được tổ chức giỗ vào tháng 8 âm lịch hàng năm ở nhiều nơi trên đất nước Việt Nam. Ngay cả "Thành hoàng" của nhiều làng cũng có khi không phải là người có công tạo dựng làng, mà là người có công, có đức với nước được nhân dân tôn thờ làm "Thành hoàng". Trong tín ngưỡng của người Việt, tổ tiên còn là Âu Cơ, Lạc Long Quân và Vua Hùng, là những người sinh ra các dân tộc hay tạo dựng đất nước Việt ta.

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là hình thức thông qua các nghi lễ thờ cúng để xác lập mối liên hệ giữa người đang sống với người đã chết, giữa thế giới thực tại với thế giới tâm linh. Đó còn là sự thể hiện quan niệm về sinh tử của người Việt: "sự tử như sự sinh - sự vong như sự tồn". Với người Việt, chết chưa phải là tất cả đã kết thúc, mà chết là để bắt đầu một cuộc sống mới ở môt thế giới khác, người ta cho rằng linh hồn tổ tiên lúc nào cũng ở bên cạnh con cháu để phù hộ cho con cháu gặp nhiều điều tốt đẹp. Nếu như các tôn giáo thường tuyệt đối hóa đời sống tinh thần của con người, hướng người ta tới sự siêu thoát, thì tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên vừa hướng con người về quá khứ vừa rất coi trọng hiện tại và tương lai.

Các nghi thức thờ cúng tổ tiên ở nước ta là sự kết hợp giữa các nghi lễ thờ cúng của Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo và một số yếu tố khác. Mặt khác, với tính chất một tín ngưỡng dân dã, các hành vi lễ thức thờ cúng thường thực hiện theo tâm thức dân gian và cũng không có một hình thức thống nhất ở các gia đình, các địa phương.

Thời gian cúng giỗ thường là những ngày húy kỵ của tổ tiên, những ngày lễ, tết trong năm. Ngoài ra, việc cúng giỗ tổ tiên còn được tổ chức vào những ngày có sự kiện quan trọng trong gia đình như cưới hỏi, làm nhà, đi xa... Thông qua nghi lễ thờ cúng, người ta muốn thể hiện sự biết ơn đối với tổ tiên. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên dần dần trở thành một cách tể hiện chữ hiếu đối với người đi trước. Đạo hiếu là cái cốt lõi của mỗi con người. Công ơn của tổ tiên là rất to lớn cho nên phải hiếu thảo với họ khi họ đã khuất. Hiếu thảo là giá trị đạo đức rất quý báu trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt.

Đặc tính của cư dân nông nghiệp là đa thần giáo, vì vậy bên cạnh thờ cúng tổ tiên người ta còn thờ phụng nhiều vị thần khác. Ở một số gia đình, ban thờ được sắp xếp ở các vị trí theo quy định, ví dụ thờ Thánh sư ở góc nhà, thờ Tiền chủ ở ngoài sân, thờ bà Cô, ông Mãnh ở bên cạnh thấp hơn bàn thờ tổ tiên….

(còn nữa)

Công ty TNHH Đúc đồng Mỹ nghệ Quang Hà

Địa chỉ: B1 lô 9, đường Nguyễn Cảnh Dị, KĐT Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội
Xưởng sản xuất: Đường 57A, thị trấn Lâm, Ý Yên, Nam Định
Điện thoại: 0987 387 487 - 0944 448 544
Email: ducdongquangha@gmail.com