663 đường Giải Phóng, Giáp Bát, Hoàng Mai, Hà Nội

Công Ty TNHH đúc đồng mỹ nghệ Quang Hà
Hotline
0944 58 1111
Danh mục sản phẩm

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên - Bản sắc văn hóa của người Việt (Phần cuối)

3. Nghi thức thờ cúng tổ tiên (tiếp)

Vì kính trọng tổ tiên, người Việt coi việc tang ma là trọng sự, gắn liền với việc thờ cúng tổ tiên. Ngày giỗ là ngày kỷ niệm ngày mất của người thân trong gia đình hàng năm thường được tính theo âm lịch. Trong các ngày giỗ có ba ngày chú ý nhất: giỗ đầu, giỗ hết và lễ cởi bỏ đồ tang (một ngày tốt được chọn sau ngày giỗ hết để đốt bỏ tang phục). Các ngày giỗ thường kỳ trong các năm sau được coi là giỗ lành.

Trước ngày giỗ đầu, nhiều gia đình còn làm cáo giỗ để xin phép Thổ công cho linh hồn người đã khuất trở về gia đình để nhận giỗ. Đồ lễ trong giỗ đầu và giỗ hết được con cháu chuẩn bị rất chu đáo. Theo quy định xưa, vào ngày giỗ đầu tang phục lại được con cháu mang ra mặc. Đồ mã được gửi cho người chết cũng theo quy định: ở ngày giỗ đầu đó là “mã biếu” cho các ác thần mong linh hồn người chết tránh sự quấy nhiễu; ở giỗ hết và lễ cởi bỏ đồ tang đồ mã còn cần nhiều hơn: các vật dụng phục vụ sinh hoạt, thậm chí cả hình nhân bằng giấy để phục vụ cho họ. Sau khi hóa (đốt) những đồ mã này, người ta thường đổ một chén rượu lên đống tàn vàng với quan niệm như vậy đồ mã mới trở thành vật thật, tiền thật dưới cõi âm.

Các gia tộc cũng có những quy định về việc thờ cúng Thủy tổ của dòng họ. Mặc dù đã trải qua nhiều đời nhưng ngày giỗ họ vẫn được lưu truyền lại cho đời sau nhờ việc ghi chép gia phả. Trong ngày giỗ Thủy tổ dòng họ, tất cả con cháu trưởng các chi, ngành, nhánh trong họ buộc phải có mặt. Các con cháu khác thì tùy vào hoàn cảnh mà mang đồ tới để góp giỗ. Lễ giỗ Thủy tổ được dòng họ tổ chức rất chu đáo và duy trì đều đặn hàng năm để bày tỏ long biết ơn đối với tổ tiên.

Bên cạnh các nghi lễ thờ cúng tổ tiên trong gia đình và gia tộc còn phải kể đến hình thức Tảo mộ vào dịp Tết Thanh minh tháng ba âm lịch hàng năm. Việc thờ cúng tại mộ phần người đã chết thường diễn ra đơn giản hơn nhiều so với thờ cúng tại nhà. Việc thăm nom, sửa sang, dọn dẹp mồ mả tổ tiên, một mặt là để thể hiện lòng hiếu thảo của con cháu, mặt khác vì theo quan niệm của người Việt mồ mả vô cùng quan trọng với cuộc sống của cả gia đình, gia tộc. Người Việt cho rằng, nếu mồ mả không tốt thì con cháu sẽ không gặp may mắn trong làm ăn, không thể nào phát triển được.

Ngoài thờ cúng ông bà, cha mẹ và những người có cùng huyết thống, người Việt còn tôn thờ tất cả những người có công với nước, với làng xóm, những người anh hùng dân tộc, anh hùng văn hóa. Đặc biệt từ bao đời nay, ngày giỗ tổ Hùng Vương luôn được người Việt coi trọng, đó là sự tưởng nhớ đến cội nguồn của dân tộc. Mùng Mười tháng Ba âm lịch hàng năm là ngày giỗ của vua Hùng đã trở thành ngày hội tụ người dân khắp mọi miền đất nước cùng nhau hướng về đất Tổ. Triết lý cội nguồn trên phạm vi cả quốc gia ấy cũng đã góp phần quan trọng trong việc củng cố vững chắc về mặt lý luận cho sự liên kết chặt chẽ của các quan hệ máu mủ dân tộc. Chính vì thế mà tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam từ gia đình, dòng họ cho đến Tổ quốc đã được bảo tồn qua thăng trầm của lịch sử, bất chấp mọi mưu đồ xâm lược và đồng hóa của giặc ngoại xâm.

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên cho thấy được niềm tin của con người ở thế giới bên kia. Thông qua các nghi lễ thờ cúng tổ tiên, người ta mong muốn có được sự phù hộ của tổ tiên trong mọi hoạt động của cuộc sống. Niềm tin đó đã giúp con người ta sống tốt hơn, có sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống, đồng thời cũng giúp cho mọi người xích lại gần bên nhau hơn.

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt trong quá trình hình thành và phát triển của nó đã góp phần tạo nên những giá trị đạo đức truyền thống to lớn như lòng hiếu thảo, lòng nhân ái, lòng yêu nước, tính cộng đồng, tính cần cù, sáng tạo. Có thể nói tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là vĩnh hằng cùng với sự tồn tại và phát triển của dân tộc. Hiếu với tổ tiên, ông, bà, cha, mẹ còn được nâng lên cao hơn, đẹp hơn, đó là "hiếu với dân, với nước".

(Hết)

Công ty TNHH Đúc đồng Mỹ nghệ Quang Hà

Địa chỉ: B1 lô 9, đường Nguyễn Cảnh Dị, KĐT Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội
Xưởng sản xuất: Đường 57A, thị trấn Lâm, Ý Yên, Nam Định
Điện thoại: 0987 387 487 - 0944 448 544
Email: ducdongquangha@gmail.com